“Do chưa xoay được tiền nên gần đến ngày ngân hàng tính lãi, tôi làm thủ tục đảo nợ thẻ”, chị Thanh chia sẻ.
Bùng nổ giao dịch thanh toán khống
Theo tìm hiểu của phóng viên, thẻ tín dụng chỉ được miễn lãi suất trong 45 ngày nếu dùng thanh toán trực tiếp khi mua sản phẩm, còn nếu rút tiền mặt tại ATM, chủ thẻ mất phí 3-4%/lần rút tiền, chịu lãi suất 2-3%/tháng và chỉ rút được 50% hạn mức tín dụng.
Vì vậy, nhiều người đã lách quy định bằng cách tìm đến dịch vụ đáo nợ thẻ, tức là các công ty dịch vụ sẽ nạp tiền vào tài khoản của chủ thẻ để ngân hàng tính toán và cắt nợ. Ngay sau khi ngân hàng cấp lại hạn mức cho chủ thẻ, bên làm dịch vụ sẽ cà thẻ qua máy POS để thu nợ và thu luôn phí. Việc thu nợ được thực hiện dưới hình thức mua hàng hóa (nhưng thực chất không mua hàng).
Thông qua hình thức mua hàng “khống”, khách chỉ mất phí 2-2,5% số tiền rút, có thể rút 100% hạn mức, không mất lãi suất trong 45 ngày.
Chính vì vậy, số người tìm đến dịch vụ này hiện rất lớn và các điểm giao dịch cũng đang nở rộ “như nấm sau mưa”. Đặc biệt là dịp sát Tết khi nhu cầu sử dụng tiền của người dân tăng cao và lương, thưởng chưa “về”.
Nếu như trước đây, các giao dịch còn hoạt động kín đáo, bí mật thì nay được quảng cáo rầm rộ, công khai trên các website, facebook, zalo.
Trong vai khách hàng cần rút 5 triệu đồng từ thẻ tín dụng, phóng viên gọi đến số điện thoại 0982…55 đăng công khai trên website ruttien247hn.com, được nhân viên cửa hàng kiểm tra thông tin thẻ và tư vấn “Muốn rút tiền mặt, chị phải trả mức phí là 1,5%; nếu là thẻ tín dụng nước ngoài thì mức phí là 2,2%. Và hạn mức được rút là toàn bộ số tiền có trong thẻ”.
Theo nhân viên này, cửa hàng liên kết với rất nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam như Sacombank, Techcombank, TPBank, VIB Bank, HSBC… và có thể rút được 100% hạn mức tín dụng.
Vi phạm pháp luật, nguy cơ lộ thông tin
Chủ một dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng cho hay, nhu cầu đáo hạn thẻ tăng mạnh thời điểm cận Tết. Đáng lưu ý, một số chủ thẻ, đặc biệt là những người có hạn mức thẻ cao lên đến vài trăm triệu đồng, đã tận dụng dịch vụ này để đặt cọc mua đất, rút tiền “lướt sóng” vàng hay chứng khoán vì có thể kiếm lợi nhuận cao hơn nhiều so với mức phí phải trả. Có người còn gửi hẳn thẻ tại các dịch vụ này để thuận tiện đáo hạn hàng tháng.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dùng thẻ cần cẩn trọng khi thực hiện hành vi đáo hạn thẻ tín dụng “chui”, bởi rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân rất lớn. Thay vào đó, người dùng nên chủ động điều chỉnh hành vi tiêu dùng của mình bằng các cách như dùng thẻ tín dụng để thanh toán hàng hóa khoa học, có kiểm soát. Như vậy thì thẻ tín dụng mới trở thành công cụ đem lại nhiều lợi ích nhất.
Ngân hàng Nhà nước nhiều lần ban hành văn bản cảnh báo hành vi khách hàng và cửa hàng “bắt tay” nhau làm giao dịch khống, đáo hạn thẻ tín dụng bị pháp luật nghiêm cấm. Song trên thực tế, tình trạng này không chấm dứt mà chỉ tạm lắng một thời gian, sau đó lại bùng phát trở lại, đặc biệt vào dịp cuối năm.
Theo giám đốc một ngân hàng thương mại, các nhà băng đều biết thực trạng trên nhưng đành bất lực, không dẹp được do các điểm chấp nhận thanh toán vẫn thể hiện được chứng từ giao dịch, hóa đơn, doanh số bán hàng.
Vị giám đốc này chia sẻ thêm, ngân hàng đang rà soát các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn như số tiền giao dịch lớn và chẵn. Ngoài ra, các dịch vụ ăn uống hay hàng quán bán hàng hóa giá trị nhỏ nhưng toàn cà số tiền vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng cũng là những đối tượng sẽ rà soát trong đợt này.
Mới đây, tại Chỉ thị 02 ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động thẻ ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng ngăn chặn giao dịch thanh toán khống nhằm rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.
Một nội dung được nhấn mạnh là các ngân hàng phải chú trọng khâu nhận biết và xác minh thông tin khách hàng, đơn vị chấp nhận thẻ. Ngoài ra, các ngân hàng, các tổ chức thanh toán thẻ cũng phải chủ động chia sẻ, trao đổi thông tin nhằm kịp thời phát hiện các giao dịch đáng ngờ.
Text: Kchannel – Source: vietnamnet.vn – Hình: Internet