Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa gia tăng tất yếu dẫn đến nhiều nguy cơ trên nhiều phương diện như kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, vấn nạn về môi trường, ô nhiễm không khí đã trở thành bài toán khó giải quyết trên quy mô toàn cầu. Tại hội thảo, các chuyên gia, khách mời đã cùng chia sẻ, trao đổi, đề xuất không chỉ trên phương diện quy hoạch – kiến trúc mà còn từ nhiều góc độ như quản lý môi trường đô thị, công nghệ ứng dụng, kinh nghiệm hoạt động từ các dự án lớn, các đô thị thông minh trên thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc cũng cho thấy, mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp ba lần số tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm. Cũng theo WHO, Việt Nam có 34.232 người tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI – ứng dụng Air Quality Index đo chỉ số ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người) tại Hà Nội và TP.HCM trong thời gian qua liên tục tăng cao, kết quả quan trắc môi trường cho thấy có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhất là mật độ xây dựng, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến. Về nguồn gây ô nhiễm không khí, chủ yếu từ các nguồn tại chỗ, như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác và một số nguồn vận chuyển từ xa. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường tăng cao vào giờ cao điểm, từ 60-70% bụi mịn do ôtô, xe máy thải ra.
Với những số liệu được trích dẫn trên đây, có thể nói, những năm gần đây, quá trình đô thị hóa gia tăng tất yếu dẫn đến nhiều nguy cơ trên nhiều phương diện (kinh tế, xã hội và môi trường…). Trong đó, vấn nạn về môi trường, ô nhiễm không khí đã trở thành bài toán khó giải quyết trên quy mô toàn cầu. Theo đánh giá, sự gia tăng không ngừng của lượng chất bụi trong không khí, cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang ở mức báo động. Quá trình đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên chính gây ra những điều này.
Bằng những nghiên cứu, sáng tác từ quy hoạch đến thiết kế, giới kiến trúc sư đã đóng góp nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, hiện nay những giải pháp hoàn toàn tự nhiên chỉ đem lại hiệu quả tại những vùng có mật độ dân số thấp. Các vùng đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM với mật độ dân số cao, thì giải pháp kết hợp giữa nhân tạo và tự nhiên là cần thiết để đem lại hiệu quả.
Các chuyên gia, nhà quản lý đã có những góc nhìn toàn cảnh về thực trạng chất lượng không khí tại Việt Nam hiện nay và bước đầu đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng không khí bằng các thiết chế quản lý và văn hóa đô thị. Kỹ thuật và công nghệ đều là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng không khí nhưng nếu có sự kết hợp hợp lý giữa hai giải pháp này sẽ nâng cao hiệu quả về chất lượng và tiết kiệm năng lượng gấp nhiều lần.
KTS Ngô Viết Nam Sơn – Chuyên gia quy hoạch, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho biết: “Thực tế, Việt Nam vẫn có rất nhiều khu vực thiên nhiên, chất lượng không khí tốt, hay những đô thị chưa có mật độ dân số cao, quy hoạch theo đúng cách, chất lượng không khí vẫn được đảm bảo, chất lượng không khí không phải vấn đề cần bận tâm. Tuy nhiên với các đô thị lớn, các yếu tố từ giao thông, xây dựng, mật độ nhà ở đông đúc, chất lượng không khí bị ảnh hưởng lớn. Vậy nên, để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần có thêm giải pháp về quy hoạch và các sản phẩm công nghệ. Kiến trúc cũng là một giải pháp quan trọng trong việc cải thiện chất lượng không khí, nhưng xét trên tầm nhìn vĩ mô, giải pháp về quy hoạch và thể chế kiến trúc mới có thể giải quyết lâu dài được. Ngoài ra, gần đây, việc xuất hiện thêm Covid-19, chúng ta còn cần những giải pháp công nghệ để ngăn ngừa vi khuẩn, đảm bảo sức khỏe”.
Text: Kchannel – Source: doanhnhanhsaigon.vn – Hình: Internet