Khoảng 80% vốn đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BT và BOT là do ngành ngân hàng tài trợ. Tuy nhiên, ngân hàng chịu nhiều áp lực về vốn khi cho vay trung hạn, dài hạn và các dự án giao thông có nguồn thu không ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Nguồn đầu tư từ nguồn tín dụng gặp nhiều khó khăn
Bình quân giai đoạn 2016-2019, dư nợ lĩnh vực BOT, BT giao thông tăng 10,82%, chiếm 1,51% tốc độ tăng giảm mạnh qua các năm và tỷ trọng cũng có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6/2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 0,49%, chiếm 1,31%, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN chia sẻ trong hội thảo thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ ngày 22/11 vừa qua, mặc dù ngành ngân hàng đã quan tâm và đầu tư vốn nhưng nguồn đầu từ từ nguồn tín dụng ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
Vốn đầu tư thúc đẩy kết cấu hạ tầng giao thông xuất phát từ các nguồn như ngân sách Trung ương, vốn của địa phương và nguồn tư nhân, theo NHNNN. Các tổ chức tín dụng cam kết cấp vốn cho chủ đầu tư để thực hiện 120 dự án giao thông trên cả nước trong thời gian qua. Trong đó, có khoảng 20 dự án đang được đầu tư về kết cấu hạ tầng ở vùng Đông Nam Bộ.
Thực tế cho thấy, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn, đồng thời thời gian đầu tư rất dài, thường trên 20 năm nên các tổ chức tín dụng cũng khó cân đối nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Bên cạnh đó, doanh thu của một số dự án không đủ, ảnh hưởng đến nguồn vốn để trả nợ và ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn do chính sách thu phí giao thông của Nhà nước thay đổi.
Không những thế, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 là một trong những yếu tố tác động lớn trong hoạt động tăng trưởng kinh tế. Mặc dù đã có những giải pháp mạnh như tái cấp vốn cho các dự án, công trình có tác động lan tỏa để hỗ trợ phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm… nhưng vẫn không mấy khả quan.
Có khoảng 50 trên tổng số 120 dự án có doanh thu thực tế không đạt như dự kiến, điều này ảnh hưởng đến việc trả nợ và chất lượng tín dụng, theo số liệu tổng hợp từ các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, dư nợ khoảng 65.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu, chuyển nhóm, tăng trích lập dự phòng.
Hiện nay, có khoảng 58/60 dự án thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT có doanh thu thực tế thấp hơn so với mức đưa ra trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Theo đó, có 17 dự án chưa đạt 50% doanh thu đề ra. Điều này đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư
Chính vì thế, NHNN đề xuất cần đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tăng tỷ lệ đầu tư và các chủ đầu tư phải tăng nguồn vốn tự có. Đồng thời, các dự án cần tăng cường nguồn huy động từ trong và ngoài nước như vốn FDI, ODA để tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông.
Đặc biệt, Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư công tu PPP và cho phép cơ chế chia sẻ rủi ro, phương án tài chính của dự án và cho phép doanh nghiệp dự án có thể phát hành trái phiếu để đầu tư cho công trình kết nối giao thông tháng 6 vừa qua.
Việt nam có cơ chế chia sẻ rủi ro theo luật PPP, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức về mặt doanh thu. Các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam phải đổi ra tiền Việt Nam, thu phí bằng tiền Việt rồi lại đổi về tiền của họ. Những vấn đề liên quan đến giá hối đoái trong chuyển đổi ngoại tệ cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc hoạt động các dự án.
Các nhà đầu tư phụ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng nhưng hiện nay thị trường tín dụng dài hạn tại Việt Nam chưa phát triển. Nhà đầu tư là những người nghiên cứu và tìm ra lợi thế dự án để thực hiện, họ không phải là người có lợi thế đi huy động vốn chính vì thế việc nhà đầu tư đi vay đến 80% vốn không sai. Viêc này phải do tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư thực hiện.
Cơ chế huy động vốn phù hợp chính là yếu tố cần thiết để giúp cho các tổ chức tín dụng giảm áp lực cho vay và chia sẻ được rủi ro, các tổ chức tín dụng cũng tham gia được nhiều hơn vào các dự án. Các tổ chức luôn xem xét đầu tư đảm bảo trên nguyên tắc cân đối nguồn lực của ngành ngân hàng, không có hạn chế nào đối với dự án giao thông, quan trọng là tính khả thi của các dự án đó.
Text: Kchannel – Source: baomoi.com.vn – Hình: Internet