Bao nhiêu tiền mua được vắc-xin Covid-19?

Ảnh minh họa

Lý giải cho sự chênh lệch lên đến 10 lần trong giá vắc-xin, tờ Financial Times cho biết, nhiều nhà sản xuất, điều chế vắc-xin hiện vẫn khá miễn cưỡng mỗi lần đề cập đến cách định giá một mũi tiêm, khi có hàng loạt yếu tố đứng sau cần phải cân nhắc. Đơn cử như mức độ hiệu quả, kết quả thử nghiệm, chi phí điều chế – sản xuất, khả năng cạnh tranh, nhu cầu cũng như cả đối tượng mua là ai.

Ấy là chưa kể đến việc, trong giai đoạn gấp rút cần thiết phải có vắc-xin, các công ty thậm chí đang thử nghiệm nhiều công nghệ khác nhau để điều chế, và một số còn định cho phép nơi khác sản xuất vắc-xin theo công thức mà họ tìm ra – điều khiến việc tính toán chi phí, định giá một liều vắc-xin càng thêm phức tạp.

Châu Âu, Mỹ: Rẻ nhất 3 USD, cao nhất 37 USD

Song, dựa trên thông tin từ các cuộc đàm phán, và giá niêm yết được các công ty tiết lộ trước áp lực của truyền thông cũng như xã hội, có thể thấy giá vắc-xin Covid-19 đang nằm trong khoảng từ 3 USD đến hơn 30 USD/liều.

Ảnh minh họa.

Tờ Financial Times cách đây 2 ngày cho biết, một liều vắc-xin của AstraZeneca bán cho Liên minh châu Âu (EU) sẽ có giá khoảng 3 – 4 USD. Còn Reuters trước đó 1 tháng dẫn nguồn tin cho hay, các quốc gia EU đã đồng ý trả 2,5 EUR (2,92 USD) cho 1 liều vắc-xin từ công ty này. Trong khi đó, vắc-xin từ Johnson & Johnson của Mỹ cũng như vắc-xin do Sanofi và GSK đồng phát triển có giá khoảng 10 USD/liều.

Riêng Moderna – công ty công nghệ sinh học khá mới, và được xem là một trong số những nơi đang dẫn đầu cuộc đua điều chế vắc-xin, đưa ra giá bán tương đối cao vào tháng 8/2020, khoảng 32 – 37 USD/liều. Trước đó, Moderna thậm chí còn đưa ra mức giá cao gấp đôi con số này. Theo công ty này, giá vắc-xin cao vì họ sản xuất số lượng nhỏ.

Pfizer – một công ty dược phẩm khác cũng có trụ sở tại Mỹ cho biết, họ sẽ bán vắc-xin với giá khoảng 20 USD/liều. Dù vậy, theo CEO Pfizer Albert Bourla, giá vắc-xin dành cho các nước đang phát triển sẽ rẻ hơn. Được biết, Pfizer và hãng dược BioNTech của Đức đã ký thỏa thuận với chính phủ Mỹ về việc cung cấp 100 triệu liều vắc-xin với giá 1,95 tỷ USD.

Ảnh minh họa

Là quốc gia đầu tiên cấp phép lưu hành đại trà cho vắc-xin, Nga cho biết, vắc-xin Sputnik V của họ sẽ có giá thấp hơn 1.000 rúp (13 USD)/liều. Đây là lời khẳng định của Cơ quan Chống độc quyền Nga (FAS) vào đầu tháng 10/2020.

Ông Igor Artemyev – người đứng đầu FAS, nói: “Chúng ta đều hiểu rằng mức giá của vắc-xin là khá cao. Chúng được sản xuất với số lượng tương đối nhỏ và họ cần vốn để mở rộng sản xuất”. Tuy nhiên, Artemyev cũng cho biết, chi phí của mỗi liều vắc-xin sẽ giảm khi quy mô sản xuất tăng lên và chúng sẵn có trên thị trường hơn.

Châu Á: Đắt nhất là của Sinopharm

Tại châu Á, giá vắc-xin Covid-19 cũng có sự chênh lệch lớn. Adar Poonawalla – CEO của Viện Huyết thanh Ấn Độ, cho biết giá vắc-xin Covid-19 do đơn vị này hợp tác sản xuất cùng Đại học Oxford sẽ thấp hơn 1.000 Rupee (13 USD) nếu bán ở Ấn Độ.

Còn ở Trung Quốc, Reuters dẫn nguồn tin cho biết, chính quyền thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, cách đây gần 2 tuần đã chính thức triển khai chương trình bán vắc-xin Covid-19 do Sinovac Biotech điều chế, với giá 400 CNY (60 USD)/2 liều.

Trong khi đó, giá bán của vắc-xin Sinovac tại Indonesia sẽ vào khoảng 200.000 Rupiah (13,6 USD)/liều, theo thông tin từ Bio Farma – công ty dược thuộc sở hữu của chính phủ Indonesia. Theo Chủ tịch, CEO Bio Farma Honesti Basyir, mức giá vừa nêu được tính dựa trên một email gần đây của Sinovac.

Còn với Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), giá bán cho 2 liều vắc-xin do công ty con của tập đoàn điều chế có thể vào khoảng 1.000 CNY (145 USD) – mức đắt nhất thế giới ở thời diểm hiện tại. Truyền thông Trung Quốc ngày 18/8 qua dẫn thông tin từ Chủ tịch Sinopharm Liu Jingzhen cho biết, vắc-xin của tập đoàn này có thể đi vào sử dụng từ tháng 12/2020.

Hiện, chưa rõ mức giá do Sinopharm công bố là giá bán lẻ hay bán sỉ, song một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết mức giá thực tế có thể sẽ thấp hơn.

Text: Kchannel – Source: unicef.org – Hình: Internet

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

    TIN MỚI