Trong và sau Covid-19, thương mại điện tử được xem là “cứu cánh” cho các nhà bán lẻ trên địa bàn thành phố trong việc duy trì và hoạt động kinh doanh, bù đắp phần nào việc sụt giảm doanh số. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong đợi, kết quả cho thấy Covid-19 đang mang “cuộc chiến” phí trở lại thị trường thương mại điện tử và cuộc đua này ngày càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Xu hướng mua sắm qua thương mại điện tử
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt khoảng 30-35% mỗi năm, theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ có mức tăng doanh thu gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.
Năm 2019 có khoảng 44 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ (B2C) đạt 10,8 tỷ USD. Nó chiếm tới 4,9 % mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước, theo Cục TMĐT và Kinh tế số.
Đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 đã làm thay đổi tư duy và nhận thức của người dân Việt Nam. Dịch bệnh đã tạo động cơ thúc đẩy xu hướng mua sắm trực tuyến trên các kênh TMĐT, facebook, Instagram… thông qua thiết bị điện tử thông minh.
TMĐT dự báo sẽ chiếm thế chủ đạo trên thế giới trong tương lai mặc dù nền tảng ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất thấp nhưng tiềm năng là rất lớn.
Cơ hội nhiều nhưng thách thức lớn
Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, ứng dụng công nghệ giúp con người giải quyết nhiều mối lo hơn trong đại dịch. Trước sự bùng phát của dịch bệnh, người Việt Nam dành nhiều thời gian hơn cho mua sắm trực tuyến và lên mạng, điều này dần trở thành thói quen khó bỏ ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Cơ hội đang rộng mở với ngành TMĐT Việt Nam và dĩ nhiên đi kèm với nó cũng không ít những thách thức đòi hỏi doanh nghiệp cần đem ra những “chiến lược nặng” để thúc đẩy sự phát triển, đem lại lợi nhuận tối đa.
Thực tế, người tiêu dùng vẫn còn dè dặt và thận trọng trong việc mua hàng trực tuyến. Có đến 80% người mua hàng kiểm tra hàng trước rồi mới quyết định nhận hàng và thanh toán tiền. Riêng tại các doanh nghiệp, sự phát triển của TMĐT kéo theo nhu cầu về nhân lực ngày càng gia tăng. Theo thống kê, mặt bằng lương cho các ứng viên trong ngành này có xu hướng cao hơn các lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển chọn lao động vừa đáp ứng nhu cầu công việc vừa đáp ứng kinh phí hạn chế.
Cứ tưởng rằng, TMĐT sẽ hưởng lợi lớn từ đợt dịch Covid-19, song thực tế lại cho thấy những nguy cơ mà các sàn đang phải đối mặt lại rất lớn. Các sàn thương mại điện tử tiếp tục tham gia vào cuộc chạy đua quảng cáo rầm rộ nhằm thu hút khách hàng mua sắm nhiều hơn. Chi phí bỏ ra cho quảng cáo lại quá nhiều so với bài toán kinh doanh có thể thu lại được.
Theo Phó Tổng giám đốc Khối doanh nghiệp Tiki, ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Tiki là một trong những sàn TMĐT có con số tăng trưởng nhiều nhất tại Việt Nam, từ 100-150%/năm. Tuy nhiên, con số này lại rơi vào sự thất vọng khi năm nay tăng trưởng phụ thuộc vào từng tháng, lúc đạt 10%, 30%, hoặc 50%. Ông cũng cho biết, nhìn vào số liệu 8 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trường ngành bán lẻ Việt nam có lẽ trong lịch sử chưa có năm nào như vậy, có những tháng tăng trưởng âm đến 15-20%.
Chỉ trong 2 tháng vừa qua khi đại dịch được kiểm soát ổn định hơn, thị trường bán lẻ mới bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại bắt đầu hạn chế các khoản chi tiêu để tiết kiệm và cân đối mức sinh hoạt trong thời buổi mọi việc làm bị ngưng trệ và điều kiện kinh tế bị “eo hẹp” khiến cho doanh thu của sàn TMĐT sụt giảm đáng kể.
Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh (từ 2-4/2020) có khoảng 57% doanh nghiệp cho biết có doanh thu tăng trưởng dưới 30% so với cùng kỳ năm 2019, thậm chí là tăng trưởng âm trong các hoạt động kinh doanh trên nền nảng TMĐT. Mặc dù số lượng giao dịch tăng 25% nhưng tốc độ tăng trưởng về doanh thu giảm khoảng 6% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Quy mô thị trường điện tử Việt Nam đều sụt giảm so với dự báo trước khi có dịch Covid-19. Theo đó, tốc độ tăng trưởng TMĐT về doanh thu trong quý IV là 20%, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ ước đạt 12 tỷ USD trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát ổn định. Thậm chí, quy mô chỉ ước đạt 11 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng doanh thu TMĐT bán lẻ chỉ đạt 13% nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp cần phải có những chiến lược mới để ứng phó với cả hai trường hợp có thể xảy ra.
Hướng đi mới nào cho TMĐT giai đoạn “hậu Covid-19”?
Những khó khăn do Covid-19 gây ra còn tồn tại bao lâu vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Covid-19 có thể là một cú hích đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển dịch từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình TMĐT với thắng lợi lớn.
Giữa một kho tàng nền tảng TMĐT, người tiêu dùng có quá nhiều sự lựa chọn và cân đong đo đếm cho một quyết định mua sắm của mình, điều này tạo nên một sức ganh đua gay gắt giữa các sàn TMĐT lớn như Tiki, Sendo, Thế giới di động, Điện máy xanh hay FPT shop… thậm chí các sàn này còn phải cạnh tranh với chính các DN sản xuất hàng hoá.
Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện để TMĐT phát triển như có dân số trẻ, 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh, Internet được sử dụng rộng rãi, cơ sở hạ tầng kho bãi tiện lợi. Có thể nói, giá trị các sàn TMĐT của Việt Nam ngày càng được đánh giá cao nhưng thị trường vẫn thiếu vắng sự tham gia của các doanh nghiệp TMĐT xuyên biên giới.
Nhiều sàn TMĐT cố gắng làm vừa lòng trải nghiệm mua sắm và giữ chân người tiêu dùng bằng cách thay đổi chính sách hoặc tăng các đợt giảm giá “cực sốc”, lì xì tiền tỷ, miễn phí vận chuyển, mua nhiều giảm nhiều…. Chẳng hạn, Tiki thực hiện các gói combo sản phẩm với nhiều đãi khuyến mãi cho khách hàng, giao hàng thời gian lưu động với chi phí rẻ hơn. Cùng với đó, Lazada chạy đồng thời nhiều chương trình đan xen về quần áo, đồ điện tử hay đưa ra các chương trình voucher/coupon, giảm giá theo giờ (flash sales), hoàn tiền khi thanh toán bằng thẻ tín dụng với các điều kiện nhất định…
Mặc dù sử dụng nhiều “chiêu trò” trong các giai đoạn quảng bá khác nhau nhưng dường như xu hướng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến càng trở nên khó tính hơn trước những thắc mắc về vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, chế độ bảo hành…
Bộ Công Thương cho biết, chưa có văn bản nào quy định cụ thể về các biện pháp giám sát nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa DN nội địa với DN nước ngoài trên các hệ thống TMĐT. Mà nguyên nhân bắt nguồn từ những lý do về tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài nắm giữ, sự bình đẳng về quản lý giữa mô hình phân phối truyền thống và mô hình phân phối TMĐT.
Theo đó, để làm giảm cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN nội địa và DN nước ngoài trên các hệ thống TMĐT, Bộ Công Thương cũng cho biết đã nghiên cứu, lập dự thảo, hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52. Dự kiến sẽ có quy định chặt chẽ hơn về những thông tin bắt buộc phải có khi bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT, tăng trách nhiệm của chủ sàn trong việc gỡ bỏ thông tin hàng hoá vi phạm, bổ sung quy định riêng với mạng xã hội có hoạt động giao dịch TMĐT trong Nghị định này.
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang bắt đầu đưa “cuộc cạnh tranh về phí” quay trở lại thị trường TMĐT Việt Nam để kích cầu giữa người bán và người mua. Người tiêu dùng trở nên thông minh hơn trước những quyết định mua sắm, họ đắn đo về chất lượng và đánh giá về quá trình trải nghiệm của mình. Điều này cho thấy, các sàn TMĐT, doanh nghiệp bán lẻ cần chú trọng vào việc truy xuất nguồn gốc hàng hoá, các chính sách hoàn – đổi giữa người cung cấp và người mua được rõ ràng, trách nhiệm giữa các bên để tăng sự tin tưởng, hình thành thói quen và tạo sự trung thành của người tiêu dùng.
Text: Kchannel – Source: baomoi.com.vn – Hình: Internet