Bỏ quy định cấm ca sĩ hát “nhép”; Thêm cơ quan có quyền cấp sổ đỏ; Nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham nhũng sẽ được miễn tử hình… là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2021.
Nghị định 144 năm 2020, Chính phủ ban hành những quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Trong đó, Điều 3 Nghị định 144/2020 đã bỏ quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Nghị định mới còn quy định một số nội dung khác như: Cá nhân người Việt Nam ra nước ngoài dự thi sắc đẹp, người mẫu không cần đáp ứng điều kiện cần phải có danh hiệu người đẹp, người mẫu trong nước. Quán karaoke được sử dụng bài hát trước 1975 chưa phổ biến…
Nghị định mới vẫn đưa ra lệnh cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn như sau đối với các hành vi:
– Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
– Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
– Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Người nước ngoài làm việc dưới 30 ngày không cần giấy phép
Đây là một trong những nội dung tại NĐ 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động (NLĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Căn cứ điều 7 NĐ này, NLĐ nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động, gồm: NLĐ nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty TNHH có giá trị góp vốn từ 3 tỉ đồng trở lên.
NLĐ nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 3 lần trong 1 năm… NĐ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2.
Không tăng lương tối thiểu vùng so với năm 2020
NĐ 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Theo điểm a khoản 1, điều 96, NĐ 145 về chế độ của hòa giải viên lao động có nhắc đến quy định từ ngày 1/1, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại NĐ 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019.
Như vậy, năm 2021 giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng như năm 2020, tương đương: Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Thêm cơ quan có quyền cấp sổ đỏ
Từ ngày 8/2, thay vì chỉ có một cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ là Văn phòng đăng ký đất đai, Chính phủ cho phép người dân có thể làm các thủ tục trên ở chi nhánh văn phòng đất đai.
Quy định mới cũng đưa ra điểm mới để tạo điều kiện cho người dân khi làm các thủ tục liên quan đến đất đai như: có thể tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ theo nhu cầu của người sử dụng đất, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện theo thoả thuận của hai bên.
Nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham nhũng sẽ được miễn tử hình
Theo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC có hiệu lực từ ngày 15/2, trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ… sẽ không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử. Đây là điểm mới, cụ thể hơn so với hiện hành.
Quy định mới về chăm sóc sức khoẻ cho lao động nữ
Có hiệu lực từ 1/2, Nghị định 145/2020 bổ sung nhiều điểm mới trong việc chăm sóc sức khoẻ lao động nữ. Cụ thể: Trong kỳ kinh nguyệt, lao động nữ làm việc bình thường, không nghỉ mỗi ngày 30 phút được trả thêm một khoản ngoài lương. Số ngày có thời gian nghỉ do hai bên thỏa thuận, nhưng tối thiểu 3 ngày làm việc mỗi tháng.
Lao động nữ nếu không nghỉ, vẫn làm việc bình thường, sẽ được trả thêm tiền lương cho công việc đã làm trong khoảng thời gian này, ngoài lương và không tính vào thời giờ làm thêm. Luật hiện hành không quy định.
Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút để cho con bú, vắt sữa, nghỉ ngơi. Thời gian này được tính vào giờ làm việc, hưởng nguyên lương.
Text: Kchannel – Source: tuoitreonline