Đâu chỉ có Tam Giác Mạch, Hà Giang còn nhiều điều khiến lữ khách si mê!

Nhắc đến mảnh đất Hà Giang đâu chỉ có tam giác mạch khiến kẻ lữ hành mê mẩn, còn biết bao điều huyền diệu ẩn sau những màn sương giăng mây phủ khắp núi đồi, để người ta phải si mê quên lối, hẹn với lòng phải lên Hà Giang lần nữa để thưởng ngoạn trọn vẹn vẻ đẹp miền biên viễn trong mỗi thời khắc trong năm.

Núi đôi Cô Tiên – Tuyệt tác thiên nhiên giữa đại ngàn

Nếu đã một lần ghé cao nguyên đá Đồng Văn, hẳn bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đầy thi vị ở núi Cô Tiên, nơi khiến người ta phải thốt lên rằng tạo hóa thực quá hữu tình khi tạc nên một cảnh quan tuyệt mỹ giữa núi rừng hùng vỹ. Nhìn từ xa, núi Cô Tiên trông như một bộ ngực căng tròn của người thiếu nữ đôi mươi, ẩn mình giữa một thung lũng nhỏ bên phố núi Tam Sơn dung dị, bao quanh là những thửa ruộng bậc thang trập trùng uốn lượn, là những nếp nhà sàn xinh xinh nép mình bình yên dưới rặng cây cao. Tất cả như những nét chắp bút đầy thơ của tạo hóa nhưng cũng đủ khiến kẻ khách phải say mê trong những niềm xúc cảm không lời.


Và trong bức họa thiên nhiên thơ tình ấy, ta bắt gặp những cánh đồng lúa lặng yên dưới chân núi xa xăm đang đổi màu thay áo suốt bồn mùa, có sắc xanh mơn mởn của lúa buổi đương thì, có sắc vàng ươm sóng sánh trong những ngày thu, và rồi những buổi mùa hè khi bắt đầu cho mùa vụ mới, ta lại thấy sắc nâu của đất lấp loáng trong màu nước đổ ải yên bình. Những sự biến hóa diệu kỳ theo nhịp thời gian đưa đấy, để mỗi khi về Hà Giang dù mùa nào đi nữa, người ta cũng không quên ghé núi Cô Tiên tìm kiếm những ngọt ngào, trong trẻo trong nhịp đập hữu tình của tạo hóa muôn màu.

Phố cổ Đồng Văn – Hoài niệm trong những dấu vết xưa

Nằm ở trung tâm của thị trấn Đồng Văn, trong một thung lũng nhỏ được bao bọc bởi bốn bề vách đá cao sừng sững, phổ cổ Đồng Văn như nơi lưu giữ phần hồn mảnh đất miền biên viễn qua bao thế kỷ, để những dấu ấn xưa còn tồn tại mãi đến tận ngày nay mặc cho dòng đời cứ mãi trôi qua.

Phố cổ Đồng Văn nhỏ nhắn lắm, chỉ vẹn vẹn 40 nóc nhà có niên đại trên dưới trăm năm, nơi cư ngụ của nhiều gia đình Mông, Tày, Hoa… từ những năm đầu thế kỷ XIX. Ấy vậy nên, toàn khu phố phảng phất rõ nét phong cách kiến trúc của người Hoa, có những ngôi nhà hai tầng mái ngói âm dương, có những cột đá lớn được chạm trổ vô cùng lạ mắt và thấp thoáng đâu đó dưới những mái nhà xinh chợt thấy chiếc đèn lòng đỏ treo cao, sưởi ấm cả một vùng trời trong cái tiết đầu đông lạnh lẽo.

Ta lại ngạc nhiên trước sự biến hóa diệu kì của phố cổ trong những gam màu lạ lẫm. Kìa buổi sớm tinh mơ, trong làn sương mờ ảo giăng mắc khắp đất trời, trong vẻ bàng bạc đến tịch liêu của một góc phố đang im lìm trong giấc ngủ, bỗng có những ánh nắng rực vàng soi rọi trên những bức tường đá xám ngắt bao năm.

Khi buổi chiều tà tĩnh mịch kéo về, khi ánh hoàng hôn phủ khắp một vùng trời miền cao nguyên đá, tô điểm cho đất thêm hồng, và những ngôi nhà nhuốm thêm màu xưa cũ, cả khu phố chợt chìm trong những khoảng lặng đến nao lòng, thấy tiếng gọi thời gian vương vít trên từng khung cửa nhỏ xa xăm.

Rồi màn đêm dần buông xuống, cả không gian ẩn mình trong những mảng đen u tịch, nhưng khi ánh đèn dầu leo lét được thắp lên trong những căn nhà chốc tỏ chốc mờ, ta chợt nghe văng vẳng đâu đó tiếng kèn môi gọi bạn tình da diết, thấy những yêu thương lại đong đầy trên phố cổ, và lòng lai bồi hồi nhớ tới người thương.

Cột cờ Lũng Cú – Thiêng liêng nơi vùng địa đầu tổ quốc

Trong bức tranh hùng vỹ của miền cao nguyên đá, cột cờ Lũng Cú hiện lên sừng sững giữa đất trời, như một hình ảnh thiêng liêng trong lòng những người con đất Việt, để mỗi lần đặt chân lên nơi ấy, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió lớn, ta chợt thấy những nhiệt huyết lại dâng trào và những quyết tâm của ngày trẻ lại sục sôi trong huyết quản.

Vậy nên cứ mỗi lần đặt chân lên Lũng Cú, người ta lại thân chinh phục 286 bậc đá để lên độ cao 1700m. Đứng trên đỉnh cột cờ, phóng tầm mắt xuống xa xa bên dưới, bức tranh cao nguyên đá Đồng Văn hiện lên sống động đến không ngờ, kìa những dãy núi trập trùng đá tai mèo xám ngoét, kìa đại ngàn bao la hùng vỹ, rồi những thửa ruộng bậc thang thay áo đổi màu suốt bốn mùa xen lẫn với những mái nhà bình yên trong các bản làng Lô Lô Chải, Séo Lủng, Cẳn Tằng…

Một bức họa thiên nhiên được tạc lên từ bàn tay tài hoa của mẹ tạo hóa đã bao đời, một khung cảnh được vẽ nên bởi những mảng màu đối lập nhưng cũng rất hài hòa, tạo nên một Đồng Văn vừa hoang sơ, hùng vỹ vừa ẩn chứa những nét thơ tình rất lạ, để ta tìm thấy trong núi rừng xanh thẳm, trên những sườn núi đá tai mèo gai góc vẫn có những nét chấm phá đầy bình yên của cuộc sống chốn non cao.

Dinh thự vua Mèo – Những điều kỳ bí trên đất bắc

Nếu đến Hà Giang, nhớ ghé Sà Phìn, tìm về dinh thự vua Mèo có niên đại đã trăm năm, nơi mà vua Mèo Vương Đức Chính đã phải thuê người xây dựng trong suốt tám năm, tốn kém gần 150.000 đồng bạc trắng. Dinh thự uy nghi, lộng lẫy nằm lọt thỏm giữa núi rừng heo hút, nơi ta bắt gặp sự giao thoa kiến trúc của ba nền văn hóa : Trung Quốc, người Mông và người Pháp độc đáo vô cùng.

Toàn bộ dinh thự mang dáng dấp của một tòa lâu đài lớn, tất cả các ngôi nhà đều được xây dựng bằng các phiến đá xanh lớn, các loại gỗ quý như gỗ thông, gỗ pơ mu, các ngòi đất nung được chạm trổ tinh xảo và cả những mái ngói âm dương mang phong cách cổ xưa.

Để rồi hôm nay, khi đặt chân tới dinh thự vua Mèo, người ta phải ngỡ ngàng trước sự bề thế của một công trình kiến trúc thuở hôm nào, nhưng thấp thoáng trong không gian rộng lớn và đầy vẻ quyền nghi đó, thời gian cũng đã in hằn những dấu vết của tháng năm, những mảng rêu phong phủ trên từng đường nét, cái lạnh lẽo của chốn không người ở tràn ngập tâm hồn, khiến người ta cứ cảm nhận được những điều kì bí ẩn sâu, ngạc nhiên, ngỡ ngàng rồi lại tò mò khám phá.

Ẩm thự Hà Giang – Nét duyên lạ ở vùng cao

Người ta không chỉ say lòng bởi cảnh đẹp ở Hà Giang, người ta còn si mê nền ẩm thực đầy quyến rũ ở mảnh đất này. Ai đến Hà Giang một lần mà không nếm thử những món đặc sản mang phong vị và cái hồn dung dị chốn rẻo cao thì có lẽ bạn chưa thưởng thức Hà Giang trọn vẹn.

Ảm thực Hà Giang độc đáo lắm, ta chợt yêu đến lạ món thắng dền có vị ngọt lành của nếp, vị béo ngậy của nước cốt dừa và chút cay cay cho ấm bụng của gừng. Rồi món thắng cố được chế biên từ xương và nội tạng của trâu, bò cùng các loại thảo quả thơm ngơn, thêm chén rượu ngô bên bếp lửa nghi ngút khói thì còn gì hơn nữa.

Ta còn bắt gặp trong những khu chợ nhỏ món cháo ấu tẩu mang nét đặc trưng của miền cao nguyên đá, nơi hội tụ các cung bậc mùi vị chốn rẻo cao khiến kẻ khách thử một lần rồi nghiện mãi. Rồi rêu nướng đầy lạ lẫm, rồi thịt trâu gác bếp thơm tới ngất ngây, thêm chút vị mật ong bạc hà êm dịu. Hà Giang nhiều món ăn ngon lắm, để người lữ khách đường xa mỗi lần đến đó cứ phải mê mệt mãi.

Dường như, dù có đặt chân đến Hà Giang biết bao lần đi chăng nữa, kẻ khách vẫn mãi giữ vẹn nguyên những cảm xúc ngỡ ngàng như buổi ban đầu. Ta bắt gặp những nét an yên ẩn trong đại ngàn hùng vỹ, gặp những thơ tình trên mảnh đất chỉ có đá xám ngoét bao năm, rồi đâu đó trên những chặng đường quen lạ mà ta đã từng qua, có đôi khi chợt phát hiện ra biết bao điều kì bí, để lòng lại rạo rực trong những miền thương nhớ khôn nguôi, để Hà Giang mãi như một nơi chốn khiến bước chân người lữ khách phải lạc trong những buổi ngao du chẳng muốn quay về.

Text: Kchannel – Source: mytour.vn – Hình: Internet

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC