Hủy hoại con người ngay từ trong tâm thức, trầm cảm đang trở thành căn bệnh khủng hoảng đáng báo động trong xã hội hiện đại ngày nay.
Được xếp vào danh sách những loại bệnh lý phức tạp khó có thể xác định được nguyên nhân chính xác, căn bệnh trầm cảm đã mang đến những hậu quả khó lường và nghiêm trọng. Chỉ tính ở Thành phố Hồ Chí Minh thì có đến 6% dân số đã và đang đối mặt với căn bệnh này, nếu trước kia những đối tượng mắc bệnh thuộc độ tuổi từ 60 – 65 thì ngày nay, khi đời sống xã hội phát triển một cách nhanh chóng, càng tiến bộ thì con người càng phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết hơn, có lẽ vì vậy mà trầm cảm được đà lan rộng, có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 – 27.
Theo một nghiên cứu khác của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% đến 29% người trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc phải các bệnh về sức khỏe tâm thần, không dừng ở đó những đối tượng này thường sẽ lạm dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá như một cách để giải tỏa những muộn phiền, những rối loạn cảm xúc. Điều này không những không cải thiện tình trạng hiện tại mà còn khiến bệnh tình tiến triển nặng, ảnh hưởng đến cả tinh thần lẫn thể xác. Đặc biệt, những ảnh hưởng mà trầm cảm mang đến luôn tiềm tàng nhiều nguy hiểm thậm chí còn làm gia tăng tình trạng tự kết liễu mạng sống. Chỉ tính thử trong một năm mà số người tử vong do bệnh trầm cảm đã gấp 2.5 lần so với số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông.
Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm
Vậy nguyên nhân do đâu khiến căn bệnh này được nhiều chuyên gia trên thế giới gắn mác “khủng hoảng”? Trầm cảm có thể hiểu là một dạng bệnh thuộc tâm thần học đặc trưng bởi sự rối loạn khí sắc. Chính những hoạt động của não bộ bị rối loạn dẫn đến một yếu tố tâm lý nào đó tạo nên những biến đổi bất thường trong suy nghĩ, hành vi và tác phong. Xét đến thực trạng xã hội hiện đại, sự phát triển nhanh đến chóng mặt phần nào mang đến nhiều hơn những gánh nặng, căng thẳng. Mỗi độ tuổi đều có những khó khăn riêng, nếu người trẻ phải đối mặt với áp lực chuyện học hành thì những người lớn hơn lại quá tải bởi hàng tá công việc. Không chỉ vậy, sự lên ngôi của mạng xã hội cũng chính là con dao hai lưỡi, nó khiến con người nhận ra nhiều điều. Có những khúc mắc họ không biết giải bày cùng ai, có những nỗi niềm cứ mãi giấu kín, cũng từ đó mà bộ não bị ép hoạt động quá công suất dẫn đến những cơn căng thẳng kéo dài đã phần nào khiến căn bệnh này ngày càng nghiêm trọng hơn.
Triệu chứng của trầm cảm
Những triệu chứng thường gặp của trầm cảm bao gồm cảm giác buồn bã, tuyệt vọng. Bạn có thể hiểu đơn giản chính là khi cơ thể chúng ta như đang ở một khoảng không trống vắng, đơn độc. Bên cạnh đó, cảm giác này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ của người bệnh, họ dần mất đi sức lực ở hoạt động thể chất lẫn tinh thần từ đó có những phản ứng cáu gắt, mệt mỏi. Dần dà khi các triệu chứng này liên tục kéo dài sẽ tác động không nhỏ đến các bộ phận khác như: hệ thống tiêu hóa, hệ thống tim mạch và miễn dịch, người bệnh khi đã vào giai đoạn nặng thường không thể bày tỏ những gì mình trải qua cho người khác biết, một số họ sẽ tìm đến rượu bia hay những chất kích thích để cứu rỗi, một số khác sẽ nghĩ đến việc tổn thương bản thân thậm chí là đẩy mình đến cái chết, đây cũng chính là điểm mấu chốt gây nên tình trạng tắc nghẽn cảm xúc, bí bách dẫn đến việc tự tử trong quá trình mắc bệnh.
Trầm cảm không phải lúc nào cũng rõ ràng. Trên thực tế, một số bộ phận người mắc bệnh luôn cố gắng che đậy những triệu chứng với mọi người xung quanh, giả vờ bình thường đến mức ngay cả bản thân họ cũng khó nhận ra. Có thể bên ngoài một người nào đó luôn hạnh phúc, luôn dễ dàng hài lòng với những thứ nhỏ nhặt nhất, các mối quan hệ hay công việc của họ không có bất cứ xáo trộn gì nhưng bên trong lại là những khoảng trống vô hình, những hố sâu tiêu cực đang tấn công vào suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của họ.
Hãy luôn chia sẻ cảm xúc đối với mọi người xung quanh
Đừng ngần ngại chia sẻ những nỗi niềm trong lòng của bạn cho người khác biết. Hãy cứ thả lỏng và đón nhận mọi thứ một cách nhẹ nhàng nhất. Có thể gặp nhiều khó khăn nhưng sẽ không đáng ngại nếu bạn đủ nghị lực vượt qua. Mặt khác, cũng đừng quá khắt khe với bản thân hay người khác, nếu có thể hãy lắng nghe, lắng nghe để chia sẻ, lắng nghe để cảm thông bởi lẽ cuộc sống áp lực hiện tại đang biến các mối quan hệ xung quanh dần trở nên xa cách.
Hãy yêu thương bản thân nhiều hơn, cuộc sống không quá ngắn cũng không quá dài nhưng sẽ vô cùng ý nghĩa nếu chúng ta biết tận hưởng một cách trọn vẹn nhất! Mỗi ngày sẽ là một ngày tốt lành bạn nhé!
Text: Kchannel – Source: tuoitreonline
Có thể bạn quan tâm!
4 thói quen hàng ngày từ các tỷ phú thế giới mà bạn nên học hỏi
Việt Nam vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người cao